Posted on: Tháng 10 31, 2008 Posted by: dnsculpture Comments: 0

Bài báo viết về Trung tâm Điêu khắc Đà Nẵng trên tạp chí nghệ thuật ở Na Uy “Kunst for alle”

“Trung tâm Điêu khắc Đà Nẵng tại Việt Nam – Nơi cung cấp dịch vụ Điêu khắc chất lượng cao”, Bài báo viết về Trung tâm Điêu khắc Đà Nẵng trên tạp chí nghệ thuật ở Na Uy “Kunst for alle” (“Nghệ thuật cho mọi người”) Số. 5 – 08/2008

TRUNG TÂM ĐIÊU KHẮC ĐÀ NẴNG TẠI VIỆT NAM,

NƠI CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐIÊU KHẮC CHẤT LƯỢNG CAO

Phía sau cánh cổng cao là hàng đống đá. Hàng tấn đá cẩm thạch trắng, vàng, xám nhạt, hồng và những tảng đá hoa cương. – Chúng tôi có thể cung cấp cho bạn mọi thứ bạn cần.

Nhà điêu khắc Oyvind Storbaekken mỉm cười sau bộ râu quai nón và dẫn chúng tôi đi quanh. Chúng tôi đang ở Trung tâm Điêu khắc Đà Nẵng, nơi các nhà điêu khắc Na Uy có thể mua đá và giao gia công điêu khắc với chất lượng cao, thực hiện các dự án điêu khắc với chi phí thấp hơn mức thù lao họ nhận được. Trung tâm tọa lạc ở làng Non Nước (nằm ở ven đô thành phố Đà Nẵng), nơi có truyền thống điêu khắc đá lâu đời ở Việt Nam.

Mọi chuyện bắt đầu từ đầu thiên niên kỷ mới

Nhà điêu khắc Oyvind Storbaekken du lịch đến Việt Nam cùng với Đặng Văn Tỵ, một nghệ sỹ Việt Nam ngồi trên xe lăn. Họ quen nhau tại Viện Nghệ thuật Quốc gia Oslo. Cơ hội mở ra khi Oyvin theo ông Tỵ đến triển lãm đầu tiên của người họa sỹ Việt Nam này tại Hà Nội.

Ông Storbaekken lúc nào cũng muốn đến Việt Nam nhưng theo ông:

– Đến một nơi mà không có gì để làm thì tôi không thích. Do đó, đây là một cơ hội tốt để khám phá một đất nước thú vị.

Mọi việc diễn ra vượt cả mong đợi. Sự tiếp đón nồng nhiệt, trước hết và trên hết là dành cho họa sỹ Tỵ nhưng cũng dành cho người đồng hành, ông Storbaekken. Lúc đó, ông Storbaekken thích chọn gỗ làm chất liệu chính hơn nhưng cũng được mời tham gia triển lãm tượng ở Hà Nội. Ông thực sự thích điều này nhưng vấn đề là cước vận chuyển tượng quá đắt.

– Ngay sau đó tôi nhận được lời đề nghị hỗ trợ 6 tháng chỗ ở và chỗ làm việc với một thợ điêu khắc gỗ ở đường phố Hà Nội cùng với lời hứa tổ chức triển lãm tác phẩm của tôi trong khoảng thời gian đó. Thế là tất cả những gì tôi phải làm là thu xếp hành lý lên đường.

Chuyển từ gỗ sang đá

Ba tháng sau đó, ông đã ngồi trên đường cùng làm việc với các thợ điêu khắc gỗ ở Hà Nội.

– Con đường rất dốc mà xe tải lại rất tệ. Tất cả chúng tôi đều lấm lem khói và nhọ nồi. Ồn ào kinh khủng nhưng tôi cũng cố sáng tác chút ít và cuối cùng cũng có một triển lãm cá nhân ở Hà Nội năm 2002.

Câu chuyện rất được quan tâm và một phóng sự trên truyền hình đưa tin. Ông Storbaekken xuất hiện trên trang nhất của rất nhiều báo.

– Mặc dù còn thiếu thốn và nghèo nàn, người Việt Nam vẫn đầy thiện chí và hiếu khách. Điều đó khiến tôi quyết định phải làm cái gì đó đền đáp. Mọi người rất muốn mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài – trong đó có tôi – nên việc trao đổi và hợp tác là lẽ đương nhiên.

Nhưng gỗ lấy từ rừng nhiệt đới là việc khá nhạy cảm với hầu hết mọi người, tôi quyết định chuyển sang đá. Chi phí cắt đá cẩm thạch và các loại đá khác đều đắt đỏ ở Na Uy và ở Carrara (Italy), nơi được xem là thánh địa Mecca của mọi nhà điêu khắc đá trong suốt nhiều năm cũng trở nên đắt đỏ. Do đó, đây chính là lúc phải tìm kiếm một địa điểm mới tương tự để sản xuất các tượng điêu khắc lớn.

Ông Storbaekken đi đến phía nam Đà Nẵng, thăm môi trường điêu khắc đá ở Việt Nam. Năm ngọn núi đá cẩm thạch và đá vôi nhô lên từ vùng đồng bằng duyên hải bằng phẳng trải qua bao nhiêu năm đã cung cấp đủ đá cho việc sản xuất số lượng lớn các tượng Phật, thần Shiva, sư tử, cá heo, rồng, hổ, tượng Bác Hồ và một ít tượng Chúa Giê su. Hiện nay, vùng núi này đã được bảo vệ nhưng với những người thợ điêu khắc và gia đình họ đã và đang sống dưới chân núi, đây vẫn là trung tâm điêu khắc đá, ngay cả khi đá được vận chuyển từ nhiều nơi khác đến.

– Ở Đà Nẵng, tôi gặp ông Hồng, lúc đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật và ông Hoàng, chủ một nhà hàng, người có khá nhiều mối quan hệ. Cả hai đều cho rằng việc đào tạo thợ điêu khắc để họ có đủ trình độ thực hiện các yêu cầu của các nhà điêu khắc phương Tây là khá thú vị. Phương Đông và phương Tây có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau cả về hình thể lẫn giải phẩu học.

Thiện chí từ tất cả các bên

Ông Storbaekken trình đề xuất lên Bộ Ngoại giao Na Uy xin kinh phí cho dự án thí điểm và được cấp 150.000 NOK (21.500USD).

– Marit, vợ tôi và tôi đã quyết định dù sao cũng phải đi Việt Nam để bắt đầu dự án. Nhưng nguồn tài trợ đã được cấp, điều đó chứng tỏ những ý tưởng của chúng tôi không chỉ là giấc mơ. Do đó, tôi dựng một xưởng ở Đà Nẵng và làm tượng Nữ hoàng trên băng, cao 3m bằng đá cẩm thạch đồng thời tìm hiểu và thiết lập các mối quan hệ. Cùng với UBND thành phố Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, chúng tôi đệ trình dự án 4 năm thành lập một trung tâm điêu khắc. Đại sứ quán Na Uy báo cho chúng tôi biết Norad (Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy) sẽ không bao giờ tài trợ cho cá nhân. Do đó, cần phải tìm một tổ chức hỗ trợ dự án của chúng tôi.

Ông Storbaekken không biết nên chọn tổ chức nào nhưng khi tham dự một trại điêu khắc ở Huế, ông gặp lãnh đạo Tổ chức Cứu trợ Nhà thờ Na Uy. Tổ chức này chưa từng tham gia các dự án về nghệ thuật và văn hóa, dù vậy, họ vẫn đồng ý chịu trách nhiệm quản lý dự án này.

– Thế là chúng tôi bắt đầu! Chúng tôi thuê nhà và bắt tay với hàng đống việc giấy tờ liên quan đến kinh phí. Trời ơi! Tôi chưa từng hình dung hàng núi công việc giấy tờ cần phải làm để thực hiện dự án… Tôi là nhà điêu khắc, tôi yêu mọi người và giỏi thiết lập quan hệ nhưng công việc giấy tờ giết chết tôi. Nếu không có Tổ chức Cứu trợ Nhà thờ Na Uy và Marit, tôi đã bỏ cuộc.

Norad quan tâm

Một ngày mưa lầy lội vào cuối tháng 11/2002, một cú điện thoại kỳ diệu từ Đại sứ quán Na Uy ở Hà Nội báo tin Norad muốn tài trợ toàn bộ kinh phí cho dự án.

– 4 năm tài trợ nếu chúng tôi có thể ký kết các hợp đồng và hoàn tất hồ sơ giấy tờ cho năm hoạt động đầu tiên trước khi kết thúc năm 2002… Một lần nữa, nhờ có Marit, chúng tôi đã làm được điều đó. Tháng 3/2003, nhà xưởng được xây trên khu đất mới thuê, dự án bắt đầu hoạt động với các thiết bị mới mua từ Ý và Đức và nhiều thợ điêu khắc được tuyển dụng.

Những thợ điêu khắc được lựa chọn qua truyền miệng. Họ đến từ nhiều tầng lớp xã hội ở địa phương. Một vài người thợ được sự giới thiệu của chính quyền, một số quen biết người này, người khác, một số xuất thân từ các gia đình nghèo, khó khăn và hai người mới ở tù ra. Đặc điểm chung là họ đều là những thanh niên tương đối trẻ, sống trong môi trường quen với bụi đá từ ngày mới sinh, họ đều có óc sáng tạo và rất mong muốn sống bằng nghề đá.

– Chúng tôi chọn được 10 người. Họ được đào tạo thêm 3 năm về tạo mẫu, sao chép tượng, phóng tượng, các kỹ thuật cắt đá từ phương Tây, về công cụ, dụng cụ và cả tiếng Anh. Khả năng giao tiếp là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt.

Từ Việt Nam đến thị trấn Tolga

Ông Storbaekken nghĩ rằng để đạt được nhiều thành tựu tốt trong dự án hợp tác giữa hai nước, những người liên quan cần hiểu biết ít nhiều về lối sống, tập quán, thói quen ăn uống… của nhau.

– Khi làm việc cùng nhau, điều đó sẽ tạo ra nhiều triển vọng tốt. Chỉ ngôn ngữ không thì chưa đủ. Chúng tôi, những người Na Uy đến Việt Nam thực hiện dự án, chúng tôi thấy và chiêm nghiệm nhiều điều như đã từng làm ở các nước khác. Nhưng những người thợ Việt Nam thì chưa bao giờ được ra nước ngoài, với điều kiện kinh tế như ở Việt Nam, điều đó thật không dễ.

Tuy nhiên, năm 2004, tất cả các thợ điêu khắc của Trung tâm đều được đi Na Uy theo lời mời của thị trấn Tolga. Sau 6 tuần làm việc ở Nord-Oesterdalen, họ đã hoàn thành 6 tượng đá granite do hạt Hedmark and và Innovation Norway giao gia công.

Hai năm sau, họ trở lại Na Uy. Nhưng lần này, họ chuyển sang cả một container các khối đá xây dựng đã chạm khắc trước làm nguyên liệu xây dựng một chiếc cầu xinh đẹp, chiếc cầu hữu nghị làm bằng đá cẩm thạch Việt Nam và đá hoa cương Na Uy.

Dự án chuyển đổi thành quỹ

Nguồn tài trợ 4 năm của Norad kết thúc năm 2006. Cô Phan Quỳnh Hương được tuyển làm giám đốc điều hành. Trước đây cô làm việc ở Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng với nhiệm vụ chính là hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài và các bên quan tâm thiết lập quan hệ hoặc làm ăn tại Việt Nam.

Để lãnh đạo Trung tâm Điêu khắc Đà Nẵng đi đúng hướng, rất cần đến kinh nghiệm của cô đối với khối tư nhân lẫn khối nhà nước.

– Đây là loại sản phẩm đặc biệt, việc xúc tiến kinh doanh dịch vụ điêu khắc với các nghệ sỹ là điều tôi cần phải học khi bắt đầu ở đây. Rất hứng thú và rất khác biệt. Bây giờ chúng tôi tập trung vào việc mở rộng quảng bá, marketing. Chúng tôi có sản phẩm rất tốt để chào bán, tay nghề cao của thợ điêu khắc, giá cả hợp lý và cạnh tranh. Chúng tôi còn có một “người đỡ đầu” tuyệt vời là Oyvind Storbaekken. Khi mà ngân sách cho marketing quá hạn hẹp, chúng tôi phải dựa hoàn toàn vào việc tạo dựng uy tín thông qua việc làm hài lòng khách hàng. May mắn thay, chúng tôi đã có một số khách hàng và truyền miệng là một cách marketing hữu hiệu. Trang web của chúng tôi cũng được ngày càng nhiều người xem (www.danangsculpture.org).

Dự kiến mùa hè năm 2008, Trung tâm Điêu khắc Đà Nẵng sẽ trở thành một quỹ phi lợi nhuận độc lập với mục tiêu dài hạn là dùng nguồn thặng dư có được để đào tạo thêm nhiều thợ điêu khắc và thực hiện một số công tác từ thiện cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

– Lớp học mới được mở vào tháng 3. Sáu thanh niên địa phương sẽ được đào tạo 4 năm. Vì đây là những thợ điêu khắc được đào tạo đặc biệt để làm việc với các nhà điêu khắc từ khắp nơi trên thế giới, họ cam kết sẽ làm việc với chúng tôi 4 năm trước khi có khả năng tạo dựng cơ ngơi riêng của mình. Bằng cách đó, chúng tôi có thể đảm bảo luôn cung ứng được những người thợ lành nghề.

Một cơ sở mới rộng hơn ở gần biển sắp được xây dựng. Khu nhà nghỉ cho các nhà điêu khắc dự kiến sẽ được nâng cấp.

– Điều quan trọng là các nhà điêu khắc khi đến đây được nghỉ ngơi thoải mái gần nơi làm việc. Quan hệ giao tiếp tốt sẽ tạo nhiều khách hàng hài lòng và liên tục. Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào điều này.