Chỉ cần lưu ý bảo dưỡng đá một cách đơn giản sẽ giúp bạn giữ gìn các tượng điêu khắc hoặc các sản phẩm đá của mình trông luôn mới và bền vững sau nhiều năm. Mọi sản phẩm bằng đá đều có thể được lau chùi thường xuyên cho sạch bụi bám thông thường bằng nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ.

Muốn lựa chọn sản phẩm chùi rửa cần phải phân biệt được sự khác nhau giữa các loại đá. Đá tự nhiên có thể được phân thành 2 loại chính dựa theo thành phần cấu tạo đá: đá silic và đá vôi.
– Đá silic gồm đá hoa cương, đá phiến, sa thạch, thạch anh, được cấu tạo chủ yếu từ các phân tử silica hoặc thạch anh. Loại đá này rất bền vững và dễ dàng được lau chùi bởi các chất có tính axit nhẹ.
– Đá vôi gồm đá cẩm thạch, travertin, đá vôi và mã não, được cấu tạo chủ yếu từ canxi carbonate nên sẽ phản ứng với các loại thức ăn có chứa axit như nước chanh, nước cà chua.  Phản ứng hóa học này sẽ làm mờ và thay đổi kết cấu bề mặt tạo, hay còn gọi là “khắc axit”.  Các chất tẩy rửa chuyên dùng cho đá silic sẽ làm tổn hại bề mặt đá vôi.

Nhìn chung, bất cứ khi nào có vết loang, cần lập tức thấm tràn bằng khăn giấy. Không lau rộng ra cả vùng vì sẽ làm vết loang lan tràn. Rửa vết loang bằng nước sạch và chất rửa chén nhẹ. Rửa sạch nhiều lần. Lau khô thật kỹ vùng có vết loang bằng một miếng vải mềm. 

Những việc NÊN làm và KHÔNG NÊN làm:

  • • NÊN lau bụi cho tượng và các sản phẩm đá thường xuyên
    • NÊN lau chùi bề mặt đá thường xuyên bằng các chất tẩy rửa trung tính chuyên dùng cho đá
    • NÊN dùng đế lót dưới ly, nhất là khi ly chứa rượu hoặc nước cam, nước chanh khi tiếp xúc với vật dụng bằng đá
    • NÊN dùng thảm lót dưới các đồ dùng bằng sứ, gạch men hoặc các vật dụng có thể làm trầy xướt bề mặt đá
    • NÊN thấm nhanh các vết loang để giảm thiểu hư hại vĩnh viễn trên đá

    • KHÔNG NÊN sử dụng các sản phẩm có chứa chanh, dấm hoặc các axit khác trên đá cẩm thạch và đá vôi
    • KHÔNG NÊN dùng các chất tẩy rửa ăn mòn như chất tẩy rửa khô, có thể gây trầy xướt bề mặt đá.
    • KHÔNG NÊN dùng chất tẩy rửa có tính kiềm không chuyên dùng cho đá